Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

"VỚI TÔI,THƠ LUÔN LÀ NGUỒN VUI SỐNG..".

                                                       Bài viết của  NAM DƯƠNG

        Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, tâm hồn anh sớm thẩm đẫm chất thơ của những câu ca dao, hò vè...Có lẽ vì thế mà cậu học trò Nguyễn Nguy Anh sớm tập tành làm thơ và sớm có thơ đăng báo (từ những năm 1970) trên các báo: Thằng Bờm, Tiếng Dân, Tạp chí Thứ Tư, Tạp chí Phổ Thông, Tạp chí Văn Học...
                Học sư phạm, từng có 15 năm giảng dạy nên thơ anh gắn với những năm tháng mộng mơ với tà áo trắng học trò:
               Ngày ấy tóc em dài
               Đường về áo trắng bay
               Những bước chân thầm lặng
               Theo em đi vào đời
               Ngày ấy đâu dám nói
               Yêu em, yêu thật lòng
               Còn đây lá thư hồng
               Nằm hoài trong ngăn cặp.
                                  (Ngày ấy)
              Thơ anh cũng là những hoài niệm về mối tình cũ, về quê xa. Đó là thứ tình cảm day dứt mà lặng lẽ theo mỗi con người trong cuộc đời:
                Chiều nay đứng giữa đất trời
                Ta nghe xao xuyến nụ cười của em
                Lá vàng rơi nhẹ bên thềm
               Cánh hoa màu nhớ tiếng chim cuối vườn.
                                                 (Bến sông)
              Có nhiều câu thơ của Nguyễn Nguy Anh mang đậm chất ca dao mà đọc lên nghe nhẹ nhàng, à ơi như một lời ru:
                 Chiều chiều lại nhớ người dưng
                 Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương
                 Trăm năm giấc mộng đời thường
                 Buồn-vui-sướng-khổ vấn vương chiều chiều.
                                          (Chiều chiều lại nhớ)
                 Anh cũng có nhiều bài thơ hay viết về Mẹ mà người đọc hẳn sẽ nao lòng, hẳn sẽ thấy bóng dáng người Mẹ thân thương của mình trong đó:
                 Mẹ gánh thời gian cho con bằng tấm lưng còng
                 Bằng giọt mồ hôi cho con vóc dáng ngọc ngà
                 Bằng vết chân chim hằn trên mặt mẹ
                 Bằng suối tóc mây trắng theo tháng ngày...
                 Một trưa hè, con thấy quang gánh thời gian của Mẹ
                 Từng nắm đấm nhè nhẹ vào lưng
                 Từng bước đi chầm chậm
                 Mẹ mong con khôn lớn nên người
                 Rồi mẹ lặng lẽ đi xa...
                                      (Mẹ tôi)
                  Hỏi anh đã viết bao nhiêu bài thơ, anh bảo nhớ không hết. Chỉ biết khi nào thích, khi nào có cảm hứng là sáng tác. Thơ 4 câu, thơ lục bát, thơ tự do...đủ các thể loại. Cứ thế anh gởi gắm tâm sự, nỗi niềm của mình vào những câu thơ khi trong trẻo, dễ thương, khi là cái nhìn chiêm nghiệm về tình người, tình quê...
                 Rất nhiều bài thơ của anh cũng được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc. Đó  là niềm vui của anh cũng như nhiều người làm thơ khác. Bởi, như thế nghĩa là hồn nhạc, hồn thơ đã "Gặp nhau" để cùng đồng cảm, để những vầng thơ càng thăng hoa trong điệu nhạc, để người nghe càng cảm nhận sâu sắc về thơ hơn...Nhạc phổ từ thơ anh cũng là những lời hát dành cho tuổi học trò:
                 Một thoáng hương xưa, một thời áo trắng
                 Cánh buồm xa ngái chút tình thơ ngây
                 Một thoáng hương xưa, một thời khờ khạo
                 Ngoéo tay hò hẹn, nhẫn cỏ trao nhau...
                 (thơ Nguyễn Nguy Anh, nhạc Lê Trần Nguyễn)
Hay
                 Mênh mông áo trắng mùa thu
                 Tôi về ôm ấp tình đầu ngu ngơ
                 Sớm mai tôi đứng lại chờ
                 Em đi lối nhỏ bên bờ trường thi...
                 (thơ Nguyễn Nguy Anh, nhạc Anh Quân)
               Theo như anh tâm sự thì anh chưa hề ghé thăm Huế nhưng anh... cảm Huế thông qua... chuyện tình bạn bè, dọc trên sách báo.Ấy vậy mà anh vẫn có những vần thơ rất trử tình về xứ thơ mộng này và cũng được nhạc sĩ Anh Quân chọn phổ nhạc:
               Dịu dàng chiếc nón bài thơ
               Nữ sinh Đồng Khánh mộng mơ ngày nào
               Chợt nghe câu hát ca dao
              Ai ra xứ Huế xôn xao ngày về
              Ngày về nhớ mái tóc thề
              Chừ răng, mô, rứa...nghe tê tái lòng...
                                (Đóa hồng gửi Huế)
                 Miệt mài làm thơ,"chịu khó" gặp bạn thơ ở những lần tổ chức trại sáng tác của Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Dương hay gặp mặt, giao lưu với các bút nhóm. Nói "chịu khó" ở đây bởi thường thì những khi gặp nhau anh phải "lấy danh nghĩa làm doanh nghiệp tiếp bạn, giúp...lộ phí cho bạn bè..."chứ nhà thơ thì...tiếp không đủ bằng nhuận bút nhưng anh rất thích gặp gỡ bạn bè. Ấy thế là lần gặp này hẹn lần gặp khác. Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ...Nếu có dịp là anh sắp xếp đi. Nói như anh là đi để tìm nguồn cảm hứng sáng tác thơ, để tâm hồn không xơ cứng trước nỗi lo cơm áo. Thế rồi, nhà thơ hiền hậu này lại chắt chiu cho xuất bản những tập thơ: Một thoáng hương xưa, Hương thầm mùa xuân và mới đây nhất là Hương thời gian (NXB Hội Nhà Văn 2007). Nặng tình với thơ như thề nên anh cho biết " Nếu có điều kiện, Tôi sẽ tiếp tục xuất bản tập thơ Vấp Bờ Ký Ức tập thơ đoạt giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ lần thứ 2 (1995-2000) và tập thơ cho thiếu nhi Dòng Sông Tuổi Thơ của anh đã được nhạc sĩ Phạm Minh Thuận phổ nhạc.
              15 năm dạy học, cũng từng ấy năm đến Bình Dương sinh sống, "làm việc khác...để nuôi thơ" và bây giờ, kinh tế đã khấm khá, con cái khôn lớn, học hành đàng hoàng.Anh vẫn khuyên bà xã theo nghề giáo bởi "Năm 1993 tôi quyết định phải...hy sinh một nhà giáo khi trong nhà có đến hai nhà giáo để còn lo cho tương lai của các con". Bớt lo toan cho việc mưu sinh nên dường như anh lại...quấn quýt nhiều hơn với thơ. Bởi, như anh nói, đó là nguồn vui sống của anh. Hạnh phúc khi có tập thơ mới tặng bạn bè. Hạnh phúc khi đọc những lời bình của bạn bè về thơ mình. Có lẽ chỉ vì thề thôi nên anh trân trọng từng bài viết, từng chương trình giới thiệu tác giả tác phẩm về thơ, thơ phổ nhạc của mình trên đài truyền hình, phát thanh...Đó cũng là nguồn cản hứng, động viên đề anh tiếp tục sáng tác thơ. Bởi, cái còn lại của một đời người trót lụy văn chương cũng chỉ là những trang viết như nhiều người từng nói...

                                                                                                   NAM DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét