Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

CHẤT TRỮ TÌNH TRONG THƠ NGUYỄN NGUY ANH - Bài của TRƯỜNG KÝ



Thao thức bên ngọn đèn suốt đêm, tôi lần giở trang thơ của một bạn thơ trẻ Nguyễn Nguy Anh. Anh sinh năm 1957 tại Bình Định.Trưởng bút nhóm Dòng Sông Xanh, Trưởng Gia đình Áo Trắng, Hội viên Hội Văn Học nghệ thuật Bình Dương.
Anh đã miệt mài chăm chỉ như con ong tìm hoa lấy mật để gom lại dâng hiến cho đời. Sáng tác thơ và đăng báo từ năm 1970 khi còn học lớp đệ ngũ cách nay gần 30 năm. Ba mươi năm kiên trì vật lộn với ngôn từ, câu chữ, cảm xúc...đến vã mồ hôi để sáng tạo ra những câu thơ, hình tượng thơ ngọt ngào tình tứ:
Anh về viết nốt bài thơ
Tương tư lá cỏ bên bờ tình yêu
Gởi thương, gởi nhớ bao nhiêu
Cho hoa đừng nở, em yêu thôi buồn
Chia tay nhặt lá sầu vương
Miên man nỗi nhớ con đường em đi.
(Bài thơ anh viết chưa xong)
Từng ấy cũng đủ nói lên tinh thần cần cù lao động nghệ thuật đáng quý của anh.
Thơ anh viết đa dạng với nhiều đề tài khác nhau nhưng mảng đề tài về tình yêu được anh quan tâm thể hiện và để lại cho người đọc sự cảm nhận một hương vị riêng, buồn vui lẫn lộn với bao cảm xúc nhớ mong:
Chao nghiêng cánh én xuân về
Ngọt nào hương sắc lời thề khắc ghi
Ca dao buồn, tiễn người đi
Vườn xưa hoa nắng xuân thì ngẩn ngơ
Anh về tập tễnh làm thơ
Cảm ơn em - anh đợi chờ tình yêu.
(Nắng mùa xuân)
Có lẽ thời đi học và sau này trở thành giáo viên, những kỷ niệm về mái trường, về bạn học, tình yêu và bao kỷ niệm vui buồn khác nhau mà anh từng chứng kiến hoặc là người trong cuộc đã in sâu vào ký ức nên khi thể hiện đã có một số bài thành công, đọc rồi nhớ mãi vì nó đưa ta về với những kỷ niệm ấu thơ bên hàng phượng vĩ với những tiếng ve sầu râm ran:
Rủ nhau đi bẻ phượng hồng
Làm con bươm bướm ép lồng vở nhau
Hạ về ran tiếng ve sầu
Bâng khuâng nỗi nhớ úa màu tuổi xanh.
(Nỗi nhớ hạ về)
Và đây nữa một mối tình đầu dịu ngọt đầy dấu ấn với trí tưởng tượng khá hồn nhiên, nhạc sĩ Anh Quân đã cảm nhận và đã phổ nhạc:
Mênh mông áo trắng mùa thu
Tôi về ôm ấp tình đầu ngu ngơ
Sớm mai tôi đứng lại chờ
Em qua lối nhỏ bên bờ trường thi
Một mai em bước vu quy
Tôi về ôm lấy tình si một mình...
(Tình thiên thu)
Nguyễn Nguy Anh có sở trường về thơ tình. Nhiều bài thơ tình của anh viết có duyên khiến bạn trẻ yêu thích. Trong thơ tình cảm xúc của anh tràn trề, có cái "ngu ngơ" khờ dại đáng yêu nhưng không bi lụy dẫn vào ngõ cụt bế tắc mà thể hiện được đạo lý cao đẹp:
Ân tình ai nỡ bán rao
Em hai mươi tuổi xôn xao xuân thì
Người ta phát thiếp vu quy
Còn em chờ đợi người đi chưa về
Năm năm còn đó câu thề!
(Chờ)
Nhiều bài thơ của Nguyễn Nguy Anh do có chất trử tình thấm đượm nên đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và truyền bá. Chẳng hạn như bài Nụ hôn đầu do  Vũ Thái Huy phổ nhạc, gây cho người nghe những ấn tượng khó quên:
Còn đâu khoảng trời ngày ấy
Một thời thơ thẩn tìm em
Giáo đường ta chờ tan lễ
Đón em qua lòng thấy ngẩn ngơ...
Hoặc trong bài Về cố hương cũng do nhạc sĩ Vũ Thái Huy phổ nhạc, thể hiện một tình quê sâu đậm, mặn nồng và nỗi buồn của người xa xứ:
Một chiều ta về
Cỏ úa ven sông
Nhìn con đò nhỏ
Nghe lòng bâng khuâng
Một chiều ta về
Mẹ đợi em mong
Quê người đất khách
Nỗi buồn tha hương...
Bài thơ đã được phổ nhạc và đã đăng tải trên tuyển tập Nữ Sinh(NXB Mũi Cà Mau ấn hành 1996)
Thơ Nguyễn Nguy Anh đã xuất hiện trước ngày giải phóng 1975 trên các tạp chí Phổ Thông, Thứ tư, Văn học. bán nguyệt san Đại Từ Bi, trên các giai phẩm , tuần báo Đuốc Vàng, nguồn, Độc lập, Tiếng Dân, Thằng Bờm, Thằng Còm...
Và sau 1975 thơ anh xuất hiện trong các tuyển tập Áo Trắng, Nữ Sinh, Thời Văn, Tiểu Thuyến Thứ Bảy, Bạn Ngọc, Phượng Hồng, Hoa Niên, Tuổi Xanh, Tiền Phong, Thiếu Niên, Nhi Đồng, Họa Mi Nhân Đạo, Giáo Dục Thời Đại, Phương Mai, Văn nghệ Bình Dương, Báo Bình Dương, Bình Phước, Mực Tím, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Văn, Văn Nghệ Trẻ, Thanh Niên, Văn nghệ Đồng Nai, Châu Đốc, Thất Sơn, Chiêu Anh Các, Bán Đảo Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Nam, Phú Yên...
Ngoài tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương trong mảng thơ trử tình của Nguyễn Nguy Anh còn thể hiện tình bạn, tình mẹ cha một cách sâu đậm. Nhưng dù thể hiện ở góc cạnh nào ta cũng thấy trong thơ anh thường mang nặng những hoài niệm của dĩ vãng, có buồn, có tương tư, có chút xót xa luyến tiếc...những gì đã qua dưới nhãn quan của cái đẹp thầm kín, chân chất của một thời do anh lăn lộn khám phá. Bởi vậy một ánh mây bay, một cánh cò, một chiều xuân én liệng, một bến đò, một khúc ca dao, một con phố nhỏ, một cơn mưa mùa hạ, một nụ tầm xuân, một tà áo trắng...luôn là "chất liệu' được anh đưa vào trong thơ với niềm xúc động mãnh liệt và tự nó đã nói lên nhiều điều về cách cảm nhận hiện thực, trử tình của anh.
Hình như trong thời mở cửa đứng trứơc cuộc sống sô bồ, bên cạnh cái tích cực xuất hiện thì cũng phát sinh lắm cái tiêu cực, nhiễu nhương va thuần phong mỹ tục xuống cấp...Thèm một câu ca dao cho"Nội hát trưa hè", thèm một ánh trăng và"câu hò giã gạo"của miền quê, thèm thưởng thức một vườn cau trong ngôi vườn cũ và một ao cá quanh nhà, thèm ngắm một "Cánh Cò"trên đồng ruộng và cao hơn nữa là một tấm lòng, là một tình thương yêu chân thật, đằm thắm, ân tình, chứ không phải vốn "tự có" để xem "bán rao" giữa chốn chợ trời...Đó đây trong những bài thơ của tác giả Nguyễn Nguy Anh đã cho ta cảm nhận được điều cao đẹp đó. Nhưng trong thực tại của thời mà đồng tiền có thể ngự trị lên trên hết, cái thật cái giả, cái cao thượng và thấp hèn luôn luôn lẫn lộn như mớ bòng bong thì đã là cái cớ để cho người lương thiện luôn phải tự vấn. Tự vấn mình, tự vấn đời và tự vấn tất cả. Do đó, tác giả Nguyễn Nguy Anh có cái "lý" để tìm lại "Cội nguồn" suýt bị hoặc đã bị nhiều người đánh mất.
Dẫu sao tôi cũng đến rồi
Mà em còn đứng bên trời hoàng hôn
Ru em khúc ca dao buồn
Để tôi tìm lại cội nguồn bến xưa.
(Bến sông xưa)
Trên đây là những thành công của thơ Nguyễn Nguy Anh mà riêng tôi cảm nhận được qua tập Một Thoáng Hương Xưa (NXB Đồng Nai 1996) và những bài thơ của anh đăng rải rác qua các tạp chí mà tôi đã đọc gần đây. Với thế mạnh sẵn có của mình, với chiều sâu nội tâm và với tâm hồn rộng mở cộng với lòng yêu thơ yêu nghệ thuật một cách say sưa, Nguyễn Nguy Anh còn có thể tự vươn lên chính mình để cống hiến cho bạn đọc, cho làng thơ Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung những tác phẩm thơ giàu tính nghệ thuật sáng tạo, thể hiện "đậm đà bản sắc dân tộc" mà độc giả đang chờ mong.
Đầu xuân 2000.
TRƯỜNG KÝ
(Ấn tượng đẹp khó phai mờ -NXB Trẻ 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét